Những năm gần đây, ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng (gọi tắt Logistics) là cái tên thường xuyên được nhắc đến như một trong những ngành tăng trưởng mạnh nhất trong nước. Vậy Logistics là gì? Ngành Logistics ra trường làm gì? Mời quý đọc giả cùng tìm hiểu thông tin dưới đây.

Hiện nay, Việt Nam có khoảng hơn 3.000 doanh nghiệp (DN) Logistics và dự kiến đến năm 2030, nhu cầu nguồn nhân lực về Logistics là trên 200.000 nhân lực. Chỉ riêng tại TP.HCM, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM đưa ra kết quả khảo sát giai đoạn 2020 – 2025, nhu cầu nhân lực chung các ngành tại TPHCM dự báo mỗi năm có khoảng 310.000 – 330.000 chỗ làm việc. Trong đó, ngành Logistics chiếm 5%, nghĩa là mỗi năm TP.HCM cần khoảng 15.000 nhân lực cho ngành này. Tuy nhiên, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu của ngành này vẫn đang thiếu hụt nghiêm trọng. Đây chính là mảnh đất màu mỡ để những người trẻ có thể gieo trồng những hạt giống sự nghiệp nhiều triển vọng cho mình.

Ngành Logistics là gì?

Logistics là quá trình lập kế hoạch, thực hiện và kiểm soát dòng di chuyển và lưu kho những nguyên vật liệu thô, những hàng hóa thành phẩm và những thông tin liên quan từ khâu mua sắm nguyên vật liệu đến khi được tiêu dùng, nhằm thỏa mãn yêu cầu của người tiêu dùng. 

Có thể hiểu đơn giản, Logistics là một phần của chuỗi cung ứng. Trong đó, Logistics sẽ hướng tới sự tối ưu trong các công đoạn: Lên kế hoạch, thực hiện, kiểm soát luồng dịch chuyển của hàng hóa, dịch vụ và thông tin trên cả hai chiều, từ nhà sản xuất tới người tiêu dùng và chiều ngược lại. Các hoạt động cụ thể của Logistics: hoạt động vận tải hàng hóa xuất và nhập, quản lý đội tàu, kho bãi, nguyên vật liệu, thực hiện đơn hàng, quản trị tồn kho, hoạch định cung cầu,… . Ngoài ra, tìm kiếm nguồn nguyên liệu đầu vào, lập kế hoạch sản xuất, đóng gói sản phẩm, dịch vụ khách hàng cũng là một phần của ngành Logistics.

Bởi tính cạnh tranh của ngành này ngày càng cao, các công ty Logistics phải liên tục cải tiến và chú trọng đến tất cả các yếu tố số lượng, chất lượng, thời gian và giá cả dịch vụ. Để làm được điều này, các doanh nghiệp cần tuyển chọn nhân sự chất lượng, đào tạo nâng cao trình độ, ứng dụng công nghệ, phần mềm quản lý điều hành, ….

Ngành Logistics ra trường làm gì?

Khi mới ra trường, bạn có thể làm việc cho các công ty dịch vụ Logistics, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, dịch vụ vận tải, giao nhận, các hãng tàu, cơ quan hải quan, … tại rất nhiều phòng ban phù hợp chuyên môn như dịch vụ khách hàng, kho vận, cung ứng vật tư, kế toán, kinh doanh quốc tế, marketing, khai thác, kế hoạch …

Những vị trí phổ biến trong ngành, như: Vận hành, quản lý kho; Nhân viên Kinh doanh; Nhân viên xử lý hóa đơn chứng từ; Quản lý hoạt động Khai thác Cảng; Nhân viên quản lý thu mua; Quản lý Giao nhận; Kiểm tra, giám sát hiện trường; Khai báo Hải quan,; Thanh toán quốc tế; Chăm sóc khách hàng, …

Sau một thời gian làm việc hiệu quả và thể hiện được năng lực của mình, bạn có thể được thăng chức lên vị trí quản lý, trưởng nhóm, trưởng bộ phận kinh doanh, khảo sát thị trường, lập kế hoạch…

Khi bạn đã tích lũy đủ kinh nghiệm và xây dựng được mạng lưới đối tác cho mình, bạn có thể sẽ muốn khởi nghiệp, thành lập và điều hành công ty của riêng mình…

Bạn cần làm gì để tự tin bước vào ngành?

Bước đầu tiên và quan trọng nhất là bạn cần trang bị cho mình đủ kỹ năng và kiến thức nghiệp vụ bằng cách tham gia vào các chương trình đào tạo uy tín trong nước, bạn có thể tham khảo các trường đào tạo Logistics nổi tiếng:

+ Tại Hà Nội: Đại học Hàng hải Việt Nam, Đại học Thương mại, Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Giao thông vận tải, Đại học Ngoại thương Hà Nội, ….

+ Tại TP.HCM: Đại học Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh, Đại học Ngoại thương cơ sở II, Đại học Quốc tế, Đại học RMIT, Đại học Kinh tế TP.HCM, Đại học Tài chính – Marketing, Cao đẳng Kinh tế đối ngoại, …

Nếu đam mê du học bạn có thể tham khảo chương trình Liên kết quốc tế về Logistics như: Chương trình Liên kết ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng (ĐH Giao thông vận tải TP.HCM liên kết Đại học QG Hàng hải và Hải dương Hàn Quốc), Ngành Quản lý Cảng và Logistics (Đại học Giao thông vận tải TP.HCM liên kết ĐH Tongmyong Hàn Quốc), …. Đây là các chương trình tiên phong trên cả nước hợp tác với nước ngoài đào tạo, có những lợi thế:

– Môi trường học tập năng động, bằng cấp quốc tế;

– Lợi thế ngôn ngữ khi học 100% Tiếng Anh;

– Chương trình đào tạo được chọn lọc với nhiều môn chuyên ngành, cập nhật kiến thức liên tục (đặc biệt là kiến thức Logistics quốc tế), giảng viên giảng dạy 100% Tiếng Anh, có chuyên môn giỏi, có kinh nghiệm nghề được tuyển chọn;

– Kết hợp với thực tiễn bằng các buổi trải nghiệm thực tế, thực tập tại doanh nghiệp, cảng biển, kho hàng, …;

– Trải nghiệm du học chỉ trong thời gian ngắn (2 năm cuối) tại nước ngoài, chi phí tiết kiệm, học bổng giá trị … đây là cơ hội để sinh viên tiếp cận nhiều kiến thức mới, kỹ năng từ việc du học;

– Tốt nghiệp chương trình là nắm giữ chìa khóa quyết định tương lai với các vị trí quan trọng trong ngành Logistics và các ngành liên quan.

Xem thêm thông tin về các chương trình tại đây.

Hy vọng bài viết đã cung cấp những thông tin hữu ích, giúp bạn có cái nhìn tổng quát về ngành Logistics: các hoạt động trong ngành, cơ hội việc làm cũng như những chương trình đào tạo có thể giúp bạn đặt những bước chân vững chắc đầu tiên trên con đường phát triển sự nghiệp của mình.

Viện IEC

Facebook Comments
SHARE