Trong hai ngày 06 – 07/12/2018 tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Bộ Công Thương, UBND tỉnh Quảng Ninh, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam và Thời báo Kinh tế Việt Nam đã tổ chức “Diễn đàn Logistics Việt Nam 2018“. Tham dự có Phó Thủ tướng Chính phủ – Vương Đình Huệ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh – Nguyễn Đức Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) – Lê Duy Hiệp, Giám đốc Quốc gia ngân hàng thế giới tại Việt Nam – Ousmane Dione cùng lãnh đạo các Bộ ngành, địa phương và hơn 500 đại biểu đến từ các doanh nghiệp dịch vụ logistics trên cả nước.
Diễn đàn Logistics Việt Nam là sự kiện thường niên nhằm thảo luận các vấn đề liên quan đến hoạt động nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam. Năm nay chủ đề chính của diễn đàn là “Kết nối các vùng tăng trưởng kinh tế” nên Hải Phòng và Quảng Ninh được lựa chọn là nơi tổ chức chuyến thăm thực địa và tổ chức hội thảo của diễn đàn vì sự phát triển vượt bậc trong cơ sở hạ tầng logistics của tỉnh.
Hai giảng viên của tổ bộ môn Logistics và vận tải đa phương thức thuộc Khoa Kinh tế vận tải là PGS.TS Hồ Thị Thu Hoà và ThS. Bùi Thị Bích Liên đã tham gia diễn đàn trong 2 ngày. Sự đổi khác của diễn đàn năm nay là có chuyến đi thực địa rất bổ ích tại nhà máy Vinfast và cảng container quốc tế Hải Phòng (HICT).
Nhà máy sản xuất ô tô Vinfast của tập đoàn Vingroup toạ lạc tại Cát Hải, Hải Phòng, các xưởng sản xuất ô tô của Vinfast sử dụng đến 1200 con robot thế hệ mới, rất ít các khâu lắp ráp thủ công, là một trong những xưởng sản xuất ô tô lớn và hiện đại so với thế giới và khu vực với công suất 38xe/giờ và 250,000 xe/năm. Sau khi tham quan xong nhà máy Vinfast, đoàn tiếp tục di chuyển đến cảng container quốc tế Hải Phòng mới đón chiếc tàu đầu tiên vào ngày 13/5/2018 với tổng diện tích là 45ha, là một trong những cảng lớn nhất khu vực phía Bắc có khả năng tiếp nhận tàu tới 14,000 Teus tương đương 100,000 DWT. Hiện cảng đang tiếp nhận 5 chuyến tàu/tuần, và theo kế hoạch đến năm 2019, sản lượng thông qua cảng khoảng 400,000 Teus.
Đại biểu tham quan cảng HICT – thuộc cụm cảng Lạch Huyện
Ngày 7/12/2018, Đoàn di chuyển về thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh dự diễn đàn tại trung tâm hội nghị FLC. Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề cập 4 nhóm vấn đề cần tập trung để thúc đẩy logistics kết nối các vùng tăng trưởng kinh tế gồm: Kết nối kinh tế là một trọng tâm, trong đó ưu tiên hàng đầu là kết nối hợp tác phát triển ngành dịch vụ logistics xanh; Hợp tác thương mại, đầu tư, nâng cao hiệu quả và chất lượng kết nối cơ sở hạ tầng thương mại, hạ tầng giao thông và đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin; Đổi mới tư duy sáng tạo ứng dụng công nghệ kết nối hợp tác phát triển ngành dịch vụ logistics xanh; Tăng cường phối hợp liên ngành và tạo thuận lợi hóa thương mại giữa các nước trong khu vực ASEAN.
Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương – Cao Quốc Hưng cũng nêu ra 3 vấn đề lớn mà các cấp, các ngành, các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics cần lưu tâm hơn nữa nhằm tận dụng tối đa lợi ích quá trình hội nhập của Việt Nam mang lại. Đó là: Thách thức về hạ tầng phục vụ ngành dịch vụ logistics của Việt Nam; Mở rộng thị trường dịch vụ logistics của Việt Nam; Nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics; Kiện toàn bộ máy quản lý Nhà nước về logistics, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản và minh bạch các thủ hành chính tạo môi trường kinh doanh dịch vụ logistics thuận lợi, thông thoáng.
Đại diện trường, PGS.TS Hồ Thị Thu Hoà nhận bằng khen từ Ông Cao Quốc Hưng – Thứ trưởng Bộ Công Thương
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ và Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Cao Quốc Hưng cùng toàn thể ban biên tập công bố “Báo cáo Logistics Việt Nam 2018”
Cũng tại diễn đàn, ngoài trường Đại học Ngoại thương, Trường Đại học Giao thông vận tải TP. HCM là 2 trường Đại học duy nhất trong số 10 tập thể được vinh hạnh đón nhận bằng khen của Bộ Công thương vì đã có thành tích xuất sắc trong việc hỗ trợ phát triển ngành dịch vụ Logistics Việt Nam giai đoạn 2017 – 2018. Trường tham gia viết Báo cáo Logistics Việt Nam 2017 và 2018, tham gia mạng lưới đào tạo Logistics, tham gia đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho lĩnh vực Logistics, hàng năm cung cấp hơn 100 sinh viên ra trường làm việc cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Logistics, bên cạnh đó, Trường cũng đưa sáng kiến về ý tưởng tổ chức cuộc thi Việt Nam Young Logistics Talent 2018 (VYLT), hỗ trợ về địa điểm tham gia bán kết khu vực cuộc thi VYLT năm 2018 đồng thời là đội thi xếp hạng nhì toàn quốc tại cuộc thi VYLT 2018. Ngoài ra Trường cũng là đơn vị tham gia rất tích cực (thành viên tham gia gồm: PGS.TS Hồ Thị Thu Hoà , ThS. Tô Thị Hằng, ThS. Bùi Thị Bích Liên, ThS. Chu Thị Huệ, ThS. Trần Quang Đạo) trong việc soạn thảo ra Sách trắng (White Book) của Hiệp Hội các doanh nghiệp Logistics Việt Nam (VLA). Đây cũng được coi là một nguồn tài liệu rất quan trọng cho các doanh nghiệp tham gia trong lĩnh vực Logistics với các số liệu rất đáng tin cậy và thực tế qua việc khảo sát hơn 100 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Logistics và phỏng vấn sâu các doanh nghiệp uy tín trong ngành để từ đó đưa ra các kiến nghị và đề xuất đến các Bộ, ngành để cải thiện môi trường kinh doanh và tạo điều kiện cho ngành Logistics Việt Nam ngày càng phát triển.
Đại diện của trường trao đổi với GĐ QG Ngân hàng TG tại VN – ông Ousmane Dione về tình hình logistics trên thế giới và tại Việt Nam
Đại diện trường giao lưu cùng đại diện các đơn vị thuộc mạng lưới đào tạo Logistics Việt Nam
Trường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM có đại diện là PGS.TS Hồ Thị Thu Hoà , ThS. Bùi Thị Bích Liên và ThS. Trần Quang Đạo là một trong số các thành viên trong Ban biên tập Báo cáo Logistics Việt Nam 2018 cùng với đại diện các trường Ngoại Thương, Đại học Thương Mại, tham gia viết chương IV của báo cáo với nội dung “Ứng dụng Logistics trong các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh”, nhóm đã tham gia khảo sát gần 50 doanh nghiệp sản xuất và đi phỏng vấn sâu những doanh nghiệp lớn trong nhiều lĩnh vực khác nhau như doanh nghiệp dệt may, doanh nghiệp sản xuất bột giặt, doanh nghiệp sản xuất gỗ, doanh nghiệp sản xuất xe hơi, doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử, doanh nghiệp sản xuất nông, lâm, thuỷ hải sản … để tìm hiểu về nhu cầu sử dụng dịch vụ Logistics trong hoạt động sản xuất của họ, từ đó nêu ra các mong muốn và đề xuất của doanh nghiệp đến các nhà làm chính sách nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động Logistics trong doanh nghiệp của mình giúp tiết kiệm chi phí logistics và tăng sức cạnh tranh, tăng tỷ lệ nội địa hoá của doanh nghiệp hơn.
Sau khi kết thúc phiên toàn thể, diễn đàn chia làm 2 chủ đề và nhận được nhiều ý kiến đóng góp tích cực từ phía cộng đồng doanh nghiệp Logistics: Nâng cao năng lực hạ tầng Logistics và mở rộng thị trường dịch vụ Logistics. Trường có cơ hội giao lưu, học hỏi và tiếp xúc rất nhiều thông tin thực tế và hữu ích từ hàng trăm doanh nghiệp tham gia diễn đàn. Với mong muốn, cùng chung tay kết hợp 3 nhà: nhà nước, nhà nghiên cứu, nhà doanh nghiệp sẽ tạo nên một cộng đồng Logistics hoạt động hiệu quả, nâng cao vị thế cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường toàn cầu.
Nguồn: ut.edu.vn